Lịch sử Đường_cong_Laffer

Nguồn gốc

Thuật ngữ "đường cong Laffer" được cho là do Jude Wanniski (một nhà báo viết cho The Wall Street Journa) nghĩ ra sau cuộc gặp ăn trưa năm 1974 tại nhà ăn Two Continents ở khách sạn Washington, gồm Arthur Laffer, Wanniski, Dick Cheney, Donald Rumsfeld và phó thư ký báo chí của ông là Grace-Marie Arnett[3]. Trong cuộc gặp này, Laffer, trong khi tìm luận cứ chống lại chính sách tăng thuế của tổng thống Gerald Ford, được cho là đã vẽ ra một đường cong trên khăn ăn để minh họa khái niệm[20]. Cheney không chấp nhận ý tưởng này ngay lập tức, nhưng nó đã lôi cuốn trí tưởng tượng của những người khác góp mặt khi đó[21]. Laffer tuyên bố không có hồi ức về chiếc khăn ăn này, nhưng viết rằng: "Tôi đã sử dụng cái gọi là đường cong Laffer mọi khi trong các lớp học của tôi và với bất kỳ ai muốn nghe tôi nói."[3].

Tự bản thân Laffer không tuyên bố đã sáng tạo ra khái niệm này, mà quy nó cho học giả Ả Rập thế kỷ 14 là Ibn Khaldun[22][23] và trong thời gian gần đây hơn là cho John Maynard Keynes[3].

Các tiền lệ

Có những tiền lệ theo dòng lịch sử mà không được Laffer trích dẫn trực tiếp. Chẳng hạn, năm 1924, Bộ trưởng Ngân khố Andrew Mellon đã viết: "Dường như là khó cho một số người để hiểu rằng việc đánh thuế cao không nhất thiết phải có nghĩa là có thu nhập nhiều hơn cho chính phủ, và rằng thu nhập nhiều hơn thường có thể thu được bằng các thuế suất thấp hơn". Thực hiện hiểu biết của ông rằng "73% của không có gì là không có gì", ông đã thúc đẩy việc giảm thuế suất thuế thu nhập cho hạng loại thuế cao nhất từ 73% cuối cùng xuống tới mức 24% (cũng như giảm thuế cho các hạng loại thuế thu nhập thấp hơn). Số thu thuế thu nhập cá nhân đã tăng từ 719 triệu USD vào năm 1921 tới trên 1 tỷ USD vào năm 1929, với mức tăng trung bình 4,2% một năm trong giai đoạn 8 năm, được những người ủng hộ quy cho là vì cắt giảm thuế[24].

Trong số những người khác, David Hume đã đưa ra các luận cứ tương tự trong chuyên khảo Of Taxes năm 1756 của ông, cũng như người đồng hương Scotland của ông là nhà kinh tế học Adam Smith sau đó 20 năm[6].

Đảng Dân chủ Mỹ cũng từng đưa ra luận cứ tương tự trong thập niên 1880 khi thu nhập cao từ thuế suất thuế nhập khẩu cao áp dụng trong thời kỳ nội chiến (1861–1865) đã dẫn tới thặng dư ngân sách liên bang. Đảng Cộng hòa Mỹ, khi đó dựa vào vùng công nghiệp đông bắc theo chủ nghĩa bảo hộ, cho rằng cắt giảm thuế sẽ làm giảm thu nhập. Nhưng Đảng Dân chủ, khi đó dựa vào vùng nông nghiệp miền nam, lại cho rằng sự cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu sẽ làm tăng thu nhập do sự gia tăng số lượng hàng nhập khẩu chịu thuế. Phân tích năm 1997 kết luận rằng thuế suất đã sử dụng là thấp hơn so với tốc độ tối đa hóa thu nhập.

Một luận cứ tương tự như vậy cũng từng được Ali ibn Abi Talib, lãnh đạo (Imamah) đầu tiên của Hồi giáo dòng Shia kiêm Khalip thứ tư của đế quốc Hồi giáo Rashidun ủng hộ; trong thư ông gửi tổng đốc Ai Cập Malik al-Ashtar. Đọc kỹ trích đoạn bức thư như dẫn ra dưới đây cho thấy ông chỉ biện hộ cho việc giảm thu nhập từ giảm thuế, chứ không biện hộ cho điểm tối ưu khi thu nhập lớn nhất có thể thu được, như thế làm hỏng điểm nguyên mẫu của đường cong Laffer. Tuy nhiên nó ngụ ý rằng thu nhập [thuế] có thể tăng lên theo thời gian do sự giảm thuế này. Ông viết:

Nếu những người nộp thuế phàn nàn với ông về gánh nặng của việc đánh thuế, vì thiên tai ngẫu nhiên bất kỳ, vì các bất thường của các trận gió mùa, vì sự xuống cấp các công cụ tưới tiêu, vì lũ lụt, hay sự tàn phá mùa màng do mưa quá nhiều và nếu các phàn nàn của họ là đúng, hãy giảm thuế cho họ. Sự tiết giảm này phải làm sao để nó cho họ các cơ hội cải thiện tình trạng của mình và giảm nhẹ những điều phiền muộn của họ.Sự suy giảm thu nhập nhà nước vì những lý do như vậy không thể làm suy yếu ông do đầu tư tốt nhất đối với một vị quân chủ là giúp các thần dân của mình vào những lúc họ gặp khó khăn. Họ là sự giàu có thật sự của đất nước và bất kỳ khoản đầu tư nào vào họ ngay cả khi dưới hình thức miễn giảm thuế, sẽ được hoàn lại cho Quốc gia dưới dạng sự thịnh vượng của các đô thị của nó và sự tiến bộ của đất nước nói chung. Cùng lúc đó ông sẽ ở vị thế dẫn dắt và chiếm trọn tình yêu, sự tôn trọng và ngợi ca của họ cùng với các khoản thu nhập.

— Ali ibn Abi Talib, Nahj al-Balagha, Thư số 53[25]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đường_cong_Laffer http://www.angrybearblog.com/2010/11/hausers-law-i... http://www.bloomberg.com/news/ng%C3%A0y http://www.dailykos.com/story/2011/07/13/994029/-W... http://books.google.com/books?id=GcmvijkDrEcC&lpg=... http://www.huppi.com/kangaroo/L-taxcollections.htm http://www.nationalaffairs.com/doclib/20080528_197... http://www.polyconomics.com/gallery/Napkin003.jpg http://www.theatlantic.com/doc/198112/david-stockm... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,1... http://blogs.wsj.com/japanrealtime/2013/09/09/lear...